Huyện Diễn Châu có gần 1250 tàu thuyền với hơn 5000 lao động nghề biển, đây là những đối tượng luôn đối mặt với những tai nạn tiềm ẩn, xảy ra bất ngờ trong điều kiện làm việc xa đất liền. Do đó, đảm bảo an toàn lao động nghề biển luôn được các ngành chức năng, các chủ tàu thuyền và địa phương các xã biên giới biển thường xuyên chú trọng.
Lao động nghề biển- tiềm ẩn những tai nạn xảy ra bất ngờ trong điều kiện làm việc xa đất liền
Đã 1 tháng trôi qua, nhưng chị Trần Thị Nghĩa ở xóm Hải Đông xã Diễn Bích vẫn chưa quên được cảm giác lo sợ khi nhận được tin chiếc tàu đánh cá của gia đình gặp nạn khi đang đánh cá ngoài khơi cách đất liền 50 hải lý. Con tàu bị lật và chìm, còn anh Nguyễn Văn Đinh- chồng chị bị gãy tay. Ngay sau đó, tất cả 4 thuyền viên đã được 1 tàu đánh cá khác và Đồn biên phòng Diễn Thành kịp thời hỗ trợ đưa vào bờ.
Anh Nguyễn Văn Đinh- chồng chị Nghĩa bị gãy tay được lực lượng cứu hộ bộ đội biên phòng đưa đi cấp cứu
Chị Trần Thị Nghĩa chia sẻ: “Tàu đi ghép cùng đưa anh về ngoài này nhưng lạch nước nhỏ không vô được ca nô của biên phòng ra đưa anh vào vô viện 115”.
Lao động trên biển, thường gặp nhiều sự cố tai nạn tiềm ẩn, gây tổn hại sức khỏe, thậm chí tử vong, đối với tàu thuyền thì có thể bị lật và chìm. Xác định được những nguy hiểm tiềm ẩn đó, nên trên chiếc tàu đánh cá công suất 120 CV của ông Bùi Văn Thái ở xóm Ngọc Văn xã Diễn Ngọc, luôn được trang bị đầy đủ phao cứu sinh, thuốc sát trùng, thuốc giải độc, thuốc cảm, băng gạc… để kịp thời sơ cấp cứu cho ngư dân khi có tai nạn lao động xảy ra.
Chiếc tàu đánh cá công suất 120 CV của ông Bùi Văn Thái ở xóm Ngọc Văn xã Diễn Ngọc, luôn được trang bị đầy đủ
Ông Bùi Văn Thái- xã Diễn Ngọc cho biết: “Nghề biển mang tính chất nguy hiểm thì bây giờ mình đi thì phải trang bị những trang thiết bị cho người trên tàu như áo phao, hệ thống liên lạc như đàm, định vị, trang bị những đồ cứu thương bình thường như bông, băng, gạc”.
Trước những rủi ro tiềm ẩn của nghề lao động trên biển, thời gian qua các tổ chức đoàn thể đã có nhiều cách làm để hỗ trợ trong đảm bảo an toàn cho lao động nghề biển.
Trong đó, Hội CTĐ tỉnh và huyện cũng thường xuyên phối hợp cùng các xã biên giới biển, mở các lớp tập huấn trang bị kiến thức để giúp ngư dân đảm bảo an toàn khi hoạt động trong quá trình lao động trên biển. Hội cũng đã hỗ trợ 250 áo phao và túi cứu thương cho các chủ tàu, đồng thời tập huấn trang bị các kỹ năng cơ bản về PCCN trên tàu cá, cách cứu người rơi xuống biển, sơ cấp cứu, băng bó vết thương nhằmgiúp ngư dân phòng ngừa, xử lý các tai nạn xảy ra trên biển.
Hội CTĐ tỉnh và huyện hỗ trợ 250 áo phao và túi cứu thương cho các chủ tàu
Ông Cao Bá Văn- Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Diễn Châu cho biết thêm: “ Hội đã thực hiện chương trình trao áo phao, túi sơ cấp cứu ban đầu cho các thuyền và đồng thời cũng với lực lượng biên phòng tổ chức tuyên truyền về luật biển để ngư dân hiểu rõ luật biển mà thực hiện và chấp hành nghiêm luật biển của Việt Nam và Quốc tế”.
Huyện Diễn Châu có gần 1.250 phương tiện khai thác hải sản trên biển, trong đó có 278 tàu xa bờ với trên 5000 lao động nghề biển. Đây được xem là một trong những ngành kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, nghề biển là nghề thường xuyên gặp những rủi ro tiềm ẩn nguy hiểm cho người và tài sản, chính vì vậy trong những năm qua, Diễn Châu đã tăng cường công tác quản lý tàu cá. Đặc biệt, lực lượng Biên phòng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tàu cá phải đảm bảo an toàn kỹ thuật máy tàu, vỏ tàu, thiết bị hàng hải, hệ thống thông tin liên lạc, PCCC, cứu hộ cứu nạn trên tàu, hệ thống máy tời, dây kéo lưới, hoạt động trên biển phải sử dụng đồ bảo hộ, phao cứu sinh, tuân thủ Luật Hàng hải, Luật Thủy sản…khi lao động trên biển.
Lực lượng Biên phòng đang kiểm tra các tàu cá
Đại úy Trần Anh Dũng- Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Diễn Thành trao đổi: “Đơn vị đã triển khai cho trạm kiểm soát biên phòng Lạch Vạn làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát trang bị đảm bảo an toàn khi ra khơi, nếu trường hợp không chấp hành nghiêm quy định thì trạm kiên quyết xử lý. Khi có sự cố xảy ra đơn vị làm tốt công tác điều động phương tiện, con người đưa nạn nhân đi bệnh viên tuyến trên, lai dắt vào bờ để đảm bảo cho phương tiện an toàn”.
Hàng năm, huyện Diễn Châu có từ 1- 2 vụ tai nạn trên biển, đã có nhiều vụ dẫn đến chìm tàu và có người tử vong, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Chính vì vậy, vấn đề đảm bảo an toàn lao động nghề biển cần được quan tâm hơn nữa, không chỉ về phía ngành chức năng, mà quan trọng nhất là các chủ tàu, ngư dân - những người trực tiếp làm việc trên biển./.
Mai Sao- Lê Đồng
Trung tâm VHTT&TT Diễn Châu